Hà Nội: Nguy cơ mất nước cục bộ vào cao điểm mùa Hè

Vào hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước của người dân Hà Nội tăng cao. Vì vậy một số khu vực nằm ở cuối nguồn, cốt địa hình cao… của hệ thống cấp nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất nước cục bộ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn Thành phố Hà Nội đạt khoảng 1.530.000m3/ngày đêm. Trong đó, 3 nguồn cấp lớn là Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội công suất khoảng 550.000m3/ngày đêm và có thể khai thác bổ sung 100.000-110.000m3/ngày - đêm; Nhà máy Nước mặt sông Đà (giai đoạn 1) công suất 300.000m3/ngày đêm. Năm 2022, cung cấp cho Hà Nội trung bình khoảng 292.222m3/ngày đêm; Nhà máy Nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1) công suất 300.000m3/ngày đêm (có thể nâng công suất lên 360.000m3/ngày đêm). Năm 2022, công suất bình quân của Nhà máy khoảng 218.000m3/ngày đêm.

Như vậy, tổng công suất các nguồn cấp hiện nay có thể đạt trên 1.530.000m3/ngày đêm trong khi dự kiến thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè năm nay nhu cầu sử dụng nước là khoảng 1.250.000-1.350.000 m3/ngày đêm. Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, công suất này có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu dùng nước của nhân dân trong phạm vi cung cấp của hệ thống cấp nước.

Tuy nhiên khả năng phân phối nguồn nước chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước sạch tại các khu vực đô thị, đặc biệt khu vực Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông đang sử dụng nguồn từ nhà máy nước mặt sông Đà, trong khi công suất nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 1 hiện nay đã chạy theo công suất thiết kế trung bình và giá mua buôn nước sạch từ nguồn nước sạch sông Đuống cao hơn nguồn nước sạch sông Đà.

1-1685149550.jpg
 
 

Người dân Hà Nội đối mặt với nguy cơ mất nước cục bộ vào cao điểm mùa Hè. Ảnh minh họa 

Khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà cung cấp theo công suất thiết kế trung bình của nhà máy mà không đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong phạm vi cấp nước của Nhà máy hoặc gián đoạn cấp nước (trường hợp sự cố) sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ đặc biệt là tại khu vực cuối nguồn, khu vực cốt địa hình cao, những khu vực sử dụng nguồn của nhà máy nước mặt sông Đà như (Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai...).

Theo lý giải của Sở Xây dựng Hà Nội, khả năng phân phối nước vẫn chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Ví dụ, tại địa bàn do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội phụ trách nhu cầu sử dụng nước năm 2023 là khoảng 680.000 - 720.000m3/ngày đêm, trong các đợt nắng nóng có thể tăng lên 750.000 - 780.000m3/ngày đêm vượt quá khả năng cung cấp nước.

Điều này sẽ khiến một số khu vực cuối nguồn, cốt địa hình cao như: Khu vực đê quai đường Âu Cơ; ngõ 267, 317 và 333 phố Hoàng Hoa Thám; tập thể cao tầng khu 7,2ha Vĩnh Phúc; đường Láng; phố Pháo Đài Láng, Vũ Ngọc Phan; ngõ 273, 295 phố Nguyễn Khoái; đầu phố Lò Đúc - Lê Văn Hưu - Hàn Thuyên; ngõ Giếng Mứt; đê Tô Hoàng, phố Lê Thanh Nghị... ứng trước nguy cơ rơi vào tình cảnh mất nước cục bộ.

Trong khi đó, tại địa bàn cấp nước của Công ty CP Viwaco (khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông) khả năng cung cấp nước trung bình khoảng 234.000m3/ngày đêm, vào ngày nắng nóng nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng lên khoảng 254.000 - 264.000m3/ngày đêm.

Và khi cung không đủ cầu, công suất cấp nước không đáp ứng lúc cao điểm hoặc xảy ra sự cố đường ống, các khu vực như Khương Đình, Khương Mai, Định Công, Phương Liệt, Thịnh Liệt, Phú Đô, Mễ Trì, đường Đồng Bát, phố Trần Bình, khu vực đường K2 Cầu Diễn và các khách hàng lớn như HTX Mỹ Đình, KĐT Mỹ Đình 2, chung cư 183 Hoàng Văn Thái, chung cư Hateco Xuân Phương… việc cấp nước sẽ bị gián đoạn.

Các địa bàn khác sử dụng nguồn nước sạch sông Đà như khu vực dọc Đại lộ Thăng Long, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức cũng rơi vào tình trạng này nếu đường ống nước sạch sông Đà gặp sự cố.

Cũng liên quan đến vấn đề nước sạch, có thể thấy, những năm qua, hệ thống sản xuất, phân phối nước sạch trên địa bàn Thành phố được đầu tư bằng nhiều nguồn, từ ngân sách, của doanh nghiệp nhà nước và nguồn ngoài ngân sách. Qua đó đã đáp ứng được nhu cầu nước sạch trên địa bàn Thành phố, khắc phục được tình trạng thiếu nước sạch.

Nguồn nước cũng chuyển đổi từ nước ngầm sang nước mặt để từng bước đảm bảo nguồn cung và chất lượng nước. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2022, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm.

Con số này đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và hoàn thành phủ mạng cấp nước khu vực nông thôn cho khoảng 27 xã (tăng thêm khoảng 5% với quy mô khoảng 60.000 hộ dân với khoảng 240.000 người so với năm 2021), tại các khu vực: 7 xã huyện Đông Anh, 5 xã huyện Phú Xuyên, 7 xã huyện Chương Mỹ, 3 xã huyện Sóc Sơn, 4 xã huyện Ứng Hòa, 1 xã huyện Ba Vì, nâng tổng số người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch lên khoảng 85%.

Tuy nhiên, hiện thành phố còn 149 xã chưa có nước sạch, trong đó 121 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện, 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án. Việc triển khai các dự án tại những khu vực nông thôn còn gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu - chi.

Tiêu biểu như tại xã Thạch Hòa, Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội), đến thời điểm hiện tại, nguồn nước chủ yếu vẫn từ giếng khoan, giếng đào, nước mưa tích trữ và không có hệ thống nước máy.

Chính vì vậy, khi cao điểm mùa khô diễn ra, đặc biệt là khoảng thời gian từ đầu tháng 11 hằng năm cho đến tháng 5 - 6 năm sau, tất cả phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.

Hương Mi

Link nội dung: https://www.itoday.vn/ha-noi-nguy-co-mat-nuoc-cuc-bo-vao-cao-diem-mua-he-a447600.html