Nghèo đói, khó khăn, trẻ em thất học
Khi nhắc đến vùng rừng núi cao Bình Phước, nhiều người sẽ nghĩ đến ngay những cánh rừng già bạt ngàn cây xanh, những gốc cây cổ thụ thân to bằng nhiều vòng tay người lớn, hay Sóc Bom Bo với “tiếng chày giã gạo bên ánh lửa lồ ô bập bùng” của đồng bào dân tộc S’tiêng.
Nhưng giờ đây, bao trùm trên những con đường dẫn vào sóc Ông La, thuộc thôn 10, xã Thống Nhất huyện Bù Đăng là bạt ngàn rừng cây cao su cùng mùi hương đặc trưng của trái điều chín trĩu quả. Những cánh rừng già với hàng nghìn gốc cây cổ thụ được thay thế bằng rừng cây công nghiệp, cây kinh tế.
Những tưởng đồng bào dân tộc S’tiêng nơi đây đang được sống trong cảnh sung túc, đầy đủ nhưng thay vào đó là nhiều căn nhà tạm bợ, cảnh thiếu ăn, trẻ con nheo nhóc không được chăm lo đầy đủ, nhiều người dân không biết chữ, phải chạy ăn từng bữa, công việc không ổn định, phải làm thuê theo thời vụ đầy vất vả trên chính mảnh đất cha ông để lại từ bao đời.
Trẻ em đồng bào dân tộc S’tiêng nơi đây cũng không dễ dàng được tiếp cận với trường học do đường đến trường rất xa phải vượt qua nhiều dốc cao hiểm trở, các em thường phải nghỉ học sớm ở nhà phụ cha mẹ.
Trẻ em thường nghỉ học sớm, đường đến trường xa và khó khăn
Anh Điểu Vĩnh, một thanh niên trẻ sinh ra và lớn lên tại sóc Ông La chia sẻ: “Từ nhỏ chúng em đã phải sống rất vất vả, không có đất sản xuất phải đi làm thuê cho các chủ đất, cho doanh nghiệp gần đây. Vào thời điểm cạo mủ cao su, người lao động phải làm từ 3h sáng đến trưa mới xong, mà lương thì chỉ đủ ăn không dư dả được gì. Vào mùa điều chín thu hoạch trong thời gian ngắn, mỗi ngày dù cố hết sức cũng chỉ nhặt được khoảng 50kg hạt điều, sau đó nộp về nơi thu mua với giá 3.000đ/kg. Còn việc đi học, do quá khó khăn, không có tiền, mà trường lại xa nên hầu như trẻ em ở đây bỏ học rất sớm để phụ gia đình. Trước đây, khoảng năm 2008 có trường hợp vì đói quá, 1 em nhỏ phải nhổ củ mì (sắn) để nướng ăn, nhưng do không đủ chín nên bị ngộ độc không kịp cấp cứu, rất thương tâm.”
Mất nhà, mất đất sản xuất, mồ mả bị xâm hại nghiêm trọng
Từ đầu những năm 2000, UBND tỉnh Bình Phước thực hiện chính sách thu hồi đất tách khỏi lâm phần và đất lâm nghiệp thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Trong quá trình thực hiện đã tiến hành thu hồi phần đất rừng liên quan đến đất sản xuất, canh tác, sinh sống và chôn cất mồ mà của đồng bào người dân tộc S’tiêng tại khu vực xã Thống Nhất và nhiều người dân thuộc sóc Ông La.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện triển khai các dự án xảy ra nhiều bất cập, để xảy ra khiếu kiện kéo dài, mất an ninh trật tự, nhiều người dân rơi vào cảnh mất nhà, mất đất sản xuất, mồ mả bị xâm hại nặng nề.
Nhắc đến vấn đề thu hồi đất rừng và nhiều bất cập xảy ra tại Bình Phước, báo Tiền Phong trước đây đã có loạt bài viết Tranh đất trồng rừng khi mất hết rừng, Thành tội phạm do mất đất trồng rừng, Phục hồi quyền lợi chính đáng cho người dân.
Trong bài viết Tranh đất trồng rừng khi mất hết rừng trên báo Tiền Phong năm 2008 có nội dung “Một khu đất có hơn 200 ngôi mộ bên suối Đắc Rơ Nây, mồ mả tổ tiên của bà con S’Tiêng ở thôn Bù Gia Phúc II, xã Phú Nghĩa, cũng bị lấy để giao cho người khác “trồng rừng”.” Tương tự nội dung trên, nhiều người dân đồng bào dân tộc S’tiêng tại sóc Ông La, xã Thống Nhất cũng rất bức xúc phản ánh về tình trạng bị mất nhà, mất đất sản xuất, bị xâm hại mồ, mả tổ tiên của đồng bào dân tộc S’tiêng khi thu hồi đất rừng giao cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Tại khu vực tiểu khu 270, ông Điểu Cúc dẫn phóng viên đến khu vực được cho là khu an táng của ông bà tổ tiên trước kia, nay đã bị giao cho Công ty Phú Thịnh quản lý. Trên thửa đất vẫn còn sót lại 2 ngôi mộ nguyên vẹn, còn rất nhiều ngôi mộ đã bị san phẳng không còn dấu tích gì. “Trước kia, chúng tôi vẫn còn tìm thấy những mảnh tố (ché) chôn cùng người mất, nhưng giờ đây hầu như không còn nữa, mồ mả tổ tiên bị đào xới, san phẳng chúng tôi rất bức xúc và đau buồn”, ông Điểu Cúc nghẹn ngào nói.
Khu vực được cho là 2 ngôi mộ còn nguyên vẹn tại tiểu khu 270, của gia đình ông Điểu Cúc bà Thị Dốt, vẫn còn tố (ché) nguyên vẹn
Đến tiểu khu 315 chị Điểu Thị Lăn cùng người nhà cố luồn lách qua đám cỏ rậm rạp, lật tìm từng mảnh tố, ché, vật trang sức.. (những vật dụng đặt cùng người đã mất) còn xót lại, để minh chứng cho việc thửa đất này trước đây của đồng bào S’tiêng dùng để canh tác sản xuất và chôn cất mồ mả tổ tiên, nhưng hiện nay đã bị giao cho doanh nghiệp.
Chị Điểu Thị Lăn cùng người nhà cố luồn lách qua đám cỏ rậm rạp, để lật tìm từng mảnh tố, ché, vật trang sức còn sót lại
Theo người dân, ngoài khu vực chị Điểu Thị Lăn, ông Điểu Cúc chỉ ra, còn rất nhiều khu vực chôn cất ông bà tổ tiên người đồng bào dân tộc S’tiêng bị đào xới san phẳng toàn bộ. Đất bị lấy giao cho doanh nghiệp sử dụng, còn đồng bào sống nhiều đời ở đây thì không có đất để sử dụng.
Anh Điểu Múc chỉ vào khu vực trước đây là vườn, ao của gia đình tại tiểu khu 270, từ xa xưa dân làng không biết đào giếng nên phải dùng ao này chứa nước sinh hoạt, nay bị thu hồi giao doanh nghiệp
Những dấu tích như cột nhà, kiềng bếp bằng đá của gia đình ông Điểu Gia Reo sử dụng tại tiểu khu 270 bị phá toàn bộ khi thu hồi
Chị Điểu Thị Hồng chỉ vào thửa đất rừng khoàng 5ha từng là của mình tại tiểu khu 270, không hiểu sao, nhà nước chỉ thu hồi đất của chị mà 2 hộ bên cạnh không bị thu hồi?
Tại tiểu khu 315, anh Điểu Lay phản ánh: khu vực này trước đây gia đình anh canh tác, sử dụng nay chính quyền thu hồi giao cho cán bộ xã
Ông Điểu Lít bên cạnh thửa đất của gia đình trước đây khoảng 3ha tại tiểu khu 315, bị thu hồi khi trên đất trồng cây điều được 3 năm nhưng không được bồi thường hỗ trợ
Còn tại khu vực tiểu khu 310, anh Điểu Quýp phản ánh: khoảng năm 2005, trưởng thôn báo chúng tôi thuê máy ủi tạo ranh giới với đất giao công ty An Lộc, nhưng sau đó doanh nghiệp lấn chiếm và lấy hết của tôi khoảng 3ha, tôi không còn đất sản xuất
Tương tự như những gì đã miêu tả trong bài viết trên báo Tiền Phong, do quá bất bình vì bị mất đất sản xuất, năm 2006, nhiều người dân tại sóc Ông La đã cố gắng ngăn trở lực lượng chức năng vào cưỡng chế đất đã bị khép vào tôi “Chống người thi hành công vụ”. Già làng Điểu La người được đặt tên cho sóc Ông La và nhiều người dân trong sóc rơi vào hoàn cảnh trên.
Anh Điểu Nga con trai già làng Điểu La, chia sẻ: “Đồng bào dân tộc S’tiêng chúng tôi đã sinh sống ổn định hàng nghìn năm ở đây, chúng tôi có tục du canh, phát rừng làm rẫy khoảng 3 năm, đất hết màu mỡ thì chuyển sang nơi khác. Sau khi nương rẫy ban đầu tái sinh, đất đai màu mỡ thì quay trở lại chứ không đụng tới rừng già. Trước đây, người dân thường trồng lúa, trồng bắp, trồng mì đến đầu năm 1996, học theo người từ nơi khác đến chúng tôi cũng đổi qua trồng điều, cao su và thấy cây phù hợp xanh tốt phát triển. Hy vọng sẽ có cuộc sống khá giả, nhưng năm 2006, nhà nước có chính sách thu hồi đất, hàng trăm héc ta đất trồng trọt, canh tác và sinh sống của chúng tôi bỗng nhiên bị thu hồi giao cho các doanh nghiệp, giao cho cán bộ xã… trong khi người dân bị mất đất sản xuất, mất cây cối tài sản trên đất mà không được đền bù, hỗ trợ.”
Già làng Điểu La và căn nhà hiện nay anh Điểu Nga sử dụng
Anh Điểu Nga chia sẻ thêm, những năm kháng chiến chống Mỹ, đồng bào dân tộc S’tiêng chúng tôi đã đóng góp hy sinh sức người, sức của vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính cha tôi, già làng Điểu La cùng người dân đã trực tiếp tham gia kháng chiến, được nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương. Nhưng sau bao năm, nhiều người dân S’tiêng nơi đây không có một mảnh đất nhỏ để sản xuất, trồng trọt, phải sống trong cảnh nghèo đói, thiếu thốn. Năm 2006, cha tôi vì cố gắng bảo vệ quyền lợi người dân đã bị kỷ luật đảng, bị thương tích, tôi mong rằng nhà nước sẽ xem xét lại phục hồi quyền lợi cho người dân, phục hồi danh dự cho cha tôi.
Văn bản và bút tích còn lưu lại của già làng Điểu La
Tiếp xúc với phóng viên, ông Điểu Lé, một thương binh gầy ốm mặc trên mình bộ trang phục quân đội, khuôn mặt khắc khổ, đầy xúc động khi nhắc đến thời điểm bị thu hồi đất. Với vốn tiếng kinh không thật sự rõ, phải nhờ đến vợ ông bà Điểu Thị Xá, phóng viên mới có thể hiểu được phần nào những điều ông muốn nói.
Ông Điểu Lé và cánh tay bị tật sau ngày bị cưỡng chế đất
Bà Điểu Thị Xá bức xúc: “Người dân S’tiêng chúng tôi nhiều đời mãi bám vào đất, vào rừng nơi đây, tổ tiên cha ông chúng tôi sinh ra mất đi và được chôn cất ở đây, chứ không di chuyển đi đâu cả. Vậy mà khi nhà nước thu hồi đất, dân làng chúng tôi không nhận được bất cứ thông báo hay quyết định thu hồi nào… họ đến thu hồi và lấy hết đất đai canh tác của chúng tôi. Chồng tôi cùng nhiều người dân trong sóc, do quá bất bình vì bị mất đất sản xuất đã cản trở cơ quan chức năng, sau đó bị tạm giam một thời gian. Sau khi thu hồi đất được giao cho các doanh nghiệp, mồ mả tổ tiên chúng tôi bị đào xới, san phẳng để lấy đất trồng điều, cao su.”
Gần 20 năm đi khắp nơi đòi công bằng cho người dân S’tiêng
Rất nhiều văn bản, chính sách của Đảng và nhà nước đưa ra nhằm đảm bảo công bằng, quyền lợi chính đáng cho người dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc S’tiêng. Nhưng dường như việc triển khai thực tế có quá nhiều bất cập. Thực trạng người dân đồng bào dân tộc S’tiêng tại Bình Phước phản ánh bị thu hồi đất rừng, mất đất sản xuất đã tồn tại từ lâu, đến nay đã gần 20 năm, nhưng việc người dân đi khắp nơi khiếu nại, khiếu kiện đòi đất vẫn diễn ra chưa được giải quyết dứt điểm.
Già làng Điểu La đã từng viết nhiều đơn khiếu nại, tố cáo, văn bản đề nghị xem xét quyền lợi chính đáng cho đồng bào dân tộc S’tiêng nhưng mãi đến khi mất năm 2014 những điều ông đề nghị mong mỏi vẫn chưa được giải quyết. Để giờ đây, con cháu ông lại tiếp tục mang đơn đi khiếu kiện khiếu nại từ địa phương tới trung ương.
Một trong những nội dung đơn già làng Điểu La cùng nhiều người dân bức xúc gửi đơn thư phản ánh là việc năm 2006, UBND huyện Bù Đăng thu hồi tổng 219ha đất rừng của 50 hộ dân thuộc tiểu khu 270, khoảnh 2,3,4,5,7,9,10 xã Thống Nhất nhưng không ban hành Quyết định thu hồi, không bồi thường hỗ trợ người dân có đất, không thực hiện kiểm đếm xác minh tài sản trên đất.
Đặc biệt trong số 219ha thu hồi có 8 hộ dân hộ dân được nhà nước giao đất, giữ rừng với tổng diện tích 167ha, có hợp đồng giao khoán năm 2001 đến năm 2021 (hiện vẫn còn lưu giữ 5 bộ hợp đồng gốc) trong những khu rừng giao cho người dân quản lý bị thu hồi có hàng trăm khối gỗ quý, nhiều năm tuổi.
Một số gốc cây lớn nhiều năm tuổi còn sót lại
Số còn lại hơn 50ha là đất sử dụng ổn định, nhiều khu vực có nhà ở tại chỗ, mục đích sử dụng đất để canh tác, sản xuất trồng 2 vụ lúa/năm và trồng cây ăn trái lâu năm như: xoài, điều. Trong 50 hộ bị mất đất có tới 40 hộ bị mất đất trắng tay, hoàn toàn không còn đất sản xuất, không được bồi thường hỗ trợ bất cứ đồng nào. Số đất bị thu hồi của 50 hộ dân được sử dụng không đúng mục đích khi giao lại cho các công ty tư nhân thuê mướn lâu dài với giá rẻ, không qua đấu giá.
Sổ giao nhận đất và rừng để trồng rừng khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tài sản của ông Điểu Nhim 1 trong 8 hộ được giao, khi bị thu hồi không có quyết định, không được hỗ trợ đền bù
Trả lời nội dung yêu cầu đòi quyền lợi của các hộ dân, UBND huyện Bù Đăng ra Quyết định số 542/QĐ/UBND ngày 08/05/2007: “Đối với cây trồng từ trước 2004, nếu nằm trong quy hoạch thực hiện dự án đã được phê duyệt thì có xem xét bồi thường thành quả lao động trên đất. Đối với những hộ đã bị giải tỏa, không còn đất ở và đất sản xuất ở nơi cuộc sống thực sự khó khăn thì chủ trương của tỉnh là xem xét giải quyết hỗ trợ đất ở là 400m2, đất sản xuất là 10.000m2/hộ...”
Ngay sau đó, già làng Điểu La cùng 49 hộ dân đã thực hiện theo đúng yêu cầu tại văn bản số 542 của UBND huyện Bù Đăng, nhưng không nhận được hỗ trợ đầy đủ như trong nội dung văn bản. 50 hộ dân tiếp tục làm đơn đề nghị lên UBND tỉnh Bỉnh Phước, ngày 21/6/2011 UBND tỉnh Bình Phước ra Quyết định số 1463/QĐ-UBND với nội dung bác toàn bộ nội dung khiếu nại của các hộ dân, lý do: không có cơ sở để giải quyết.
Văn bản kết luận: Việc ông Điểu La và 49 hộ yêu cầu bồi thường, hỗ trợ cây trồng trên đất và trả lại đất cho các hộ sử dụng là không có cơ sở vì diện tích đất ông Điểu La và 49 hộ khiếu nại có nguồn gốc là đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 270 do Ban QLRPH Thống Nhất quản lý, ông Điểu La và 49 hộ tự ý xâm canh, lấn chiếm sử dụng trái phép. Khi làm việc với các cơ quan chức năng, ông Điểu La và các hộ dân không cung cấp được giấy tờ chứng cứ gì để chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của mình đối với diện tích đất khiếu nại. Đồng thời, đất của các hộ có nguồn gốc xâm canh lấn chiếm sau ngày 01/01/2004 nên không được xem xét bồi thường, hỗ trợ thành quả trên đất.
Chị Điểu Thị Hồng, một người con của sóc Ông La, người thường xuyên thay mặt bà con dân làng đi khắp nơi, trong nam ngoài bắc gửi đơn thư khiếu nại và làm việc với cơ quan chức năng đòi hỏi quyền lợi cho bà con bức xúc: “Những văn bản trả lời trên của cơ quan nhà nước đã thể hiện sự quan liêu, thiếu trách nhiệm vô cảm với đời sống người dân, vô cảm với khó khăn thiếu thốn của đồng bào dân tộc S’tiêng. Vì đã bao đời nay, đồng bào dân tộc S’tiêng chúng tôi sinh sống ổn định trên mảnh đất tổ tiên cha ông để lại, việc du canh du cư cũng chỉ ở quanh khu vực này. Nhà ở, cây trồng trên đất chúng tôi đã có từ lâu đời, việc các cơ quan nhà nước xác định người dân chúng tôi xâm canh lấn chiếm sau ngày 01/01/2004 để không xem xét, hỗ trợ thành quả trên đất là hoàn toàn sai phạm.”
“Hơn nữa, trong quá trình thu hồi đất của người dân, các đơn vị thực hiện thu hồi không ban hành quyết định thu hồi, không thực hiện kiểm đếm tài sản trên đất, không xác minh rõ nguồn gốc, thời điểm hình thành tài sản trên đất nên đã tự xác định tài sản hình thành sau ngày 01/01/2004 để trốn tránh việc bồi thường thiệt hại cho người dân. Chúng tôi, những người đồng bào dân tộc S’tiêng sẽ tiếp tục đòi hỏi công bằng, quyền lợi chính đáng đến cùng.”
Sau khi già làng Điểu La mất năm 2014, chị Điểu Thị Hồng cùng người dân tiếp tục làm đơn lên các cấp cao hơn đòi hỏi quyền lợi, yêu cầu được cấp đất sản xuất, được đền bù thiệt hại tài sản, hoa màu, cây cối trên đất bị thu hồi, nhưng suốt bao năm qua chỉ nhận được các văn bản với cùng một nội dung không chấp nhận.
Chị Hồng buồn bã kể, khi thu hồi, những người đại diện cơ quan nhà nước đều hứa hẹn với dân rằng, nhà nước thu hồi đất để làm quỹ an sinh xã hội cho người dân, giúp cho người dân nghèo cải thiện cuộc sống. Nhưng thực tế, sau bao nhiêu năm người giàu vẫn giàu còn người nghèo vẫn nghèo, người dân nghèo vẫn phải đi làm thuê làm mướn không đủ ăn, không có đất để sản xuất trồng cây, làm kinh tế, không được hưởng đầy đủ quyền lợi an sinh xã hội.