Cần phải tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục

Quyền Trung
Nâng cao chất lượng tuyển sinh lớp 10, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện chất lượng giáo dục. Ngày 13/5, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị giao ban, nghe và cho ý kiến về công tác tổ chức kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025.

Xác định tầm quan trọng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác chuẩn bị với mục tiêu để kỳ thi diễn ra đảm bảo đúng quy định, an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của nhân dân.

1

 Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị

Từ đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, trực tiếp là người đứng đầu phải bám sát các văn bản chỉ đạo để tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, ý kiến của các tầng lớp nhân dân trước, trong và sau khi kỳ thi; nhận diện, dự báo sát tình hình thực tế để chủ động phương án xử lý, giải quyết kịp thời; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tất cả các khâu, các bước, quy trình trong công tác chuẩn bị và tổ chức. Kiên quyết không để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế thi.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh dự kiến có khoảng 16.000 thí sinh tham dự, tăng 12% thí sinh so với kỳ thi năm trước, sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 3/6/2024.

2

 Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi, Sở GD&ĐT đã tổ chức công tác tập huấn thi; các trường chủ động tăng cường công tác ôn tập, rèn kỹ năng làm bài, củng cố kiến thức, chuẩn bị tốt tâm lý cho học sinh; thực hiện hướng dẫn cho học sinh và cha mẹ các quy định được đăng ký dự tuyển; chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và điều động khoảng 2.500 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên, cùng lực lượng phối hợp tham gia làm nhiệm vụ tại các hội đồng coi thi, đảm bảo tổ chức thi chính xác, khoa học, minh bạch, đúng nguyên tắc và các quy định tuyển sinh…

Sau khi nghe báo cáo các nội dung chuẩn bị kỳ thi, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất: Với mục tiêu để người dân có lợi ích cao nhất, hưởng thành quả phát triển, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận công bằng với nền giáo dục tốt hơn trong điều hiện hạ tầng giáo dục tại tỉnh ngày một nâng cao; GD&ĐT là một phương diện quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống người dân, đảm bảo hài hòa đời sống vật chất và tinh thần theo tiêu chí hạnh phúc. Trong đó, tuyển sinh vào lớp 10 là một trong các chỉ tiêu. Hiện thực hóa mục tiêu chậm nhất đến năm 2030, Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển GD&ĐT, một trong những trung tâm GD&ĐT nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng...

Vì thế, Quảng Ninh cần phải tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục; vận hành tối đa vai trò trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT kết hợp với vận động của cơ chế thị trường.

3

 Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ninh báo cáo công tác chuẩn bị tuyển sinh

Quan điểm của tỉnh đó là, khi quy mô dân số tăng, tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu người học tăng, phải được đáp ứng tốt về trường học, lớp học; đảm bảo tối đa cơ hội, điều kiện thuận lợi về học tập cho mỗi người học tốt nghiệp THCS có nhu cầu học THPT và được thụ hưởng công bằng thành quả phát triển của nền giáo dục. Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư, quan tâm phát triển GD&ĐT ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi tập trung khu công nghiệp, khu kinh tế, tập trung đông công nhân lao động và hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí đa chiều của tỉnh; thực hiện ngày càng tốt hơn công bằng, bình đẳng về cơ hội học tập, các chính sách xã hội trong GD&ĐT.

Nhấn mạnh mối quan hệ giữa nâng cao chất lượng tuyển sinh lớp 10 với nâng cao chất lượng giáo dục, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Trong quá trình thực hiện, cần phát triển hệ thống giáo dục hài hòa, cân đối, hợp lý giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền; chỉ khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập chất lượng cao, vì lợi ích nhân dân, lợi ích người học gắn với đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với một số cơ sở giáo dục công lập tại các đô thị lớn, những nơi có điều kiện KT-XH phát triển. Đặc biệt đối với giáo dục phổ thông công lập, các trường đã có cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên tốt và đã khẳng định được thương hiệu cần được tiếp tục phát triển. Song song với đó, thực hiện rà soát, sắp xếp lại các trường ngoài công lập không đáp ứng được nhu cầu của người học, theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước và vận động của thị trường.

4

 Quang cảnh hội nghị giao ban

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh bám sát Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 5/9/2023 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát kỹ lưỡng, công khai, minh bạch công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở các trường THPT công lập không chuyên, trường THPT Chuyên Hạ Long, các trường THPT tư thục và chương trình giáo dục thường xuyên; rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất các trường công lập thời gian qua đã được đầu tư nâng cấp mở rộng, tính toán kỹ số lượng phòng học mới được xây dựng, cùng các công năng mới được mở rộng để khai thác tối đa, không để lãng phí tài sản công sau đầu tư.

Đồng thời, tính toán hợp lý số lớp học của từng cơ sở giáo dục, đặc biệt là chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 sát với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đã có, phù hợp với điều kiện KT-XH từng địa bàn cụ thể và nhu cầu người dân, thúc đẩy tự chủ ở các cơ sở đào tạo có lộ trình thực hiện tự chủ. Đối với trường chuyên, tính toán tăng các lớp chuyên ở những bộ môn có đủ điều kiện, nhằm mở rộng cơ hội cho con em được học tập ở các cơ sở giáo dục tốt.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, lấy người dân làm trung tâm nhằm bảo đảm người học phải được hưởng dịch vụ giáo dục ngày càng tốt hơn; rà soát chỉ tiêu tuyển sinh, mở rộng cơ hội cho con em công nhân lao động, đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh, những vùng miền núi, biên giới, hải đảo được thụ hưởng chất lượng giáo dục ngày càng cao hơn, đảm bảo công bằng, tiến bộ giáo dục và thu hẹp chênh lệnh vùng miền về chất lượng GD&ĐT; rà soát kỹ học sinh sau phân luồng, đảm bảo lợi ích tối đa cho người học và đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác quản lý nhà nước, rà soát, sắp xếp, tinh giản một số Trung tâm GDNN-GDTX tồn tại hình thức, hoạt động kém chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu xã hội, ảnh hưởng tới chất lượng người học.

Đỗ Phương