Đề án nhằm nâng cao năng lực hoạt động quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản; duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản được sản xuất tại Hà Nội và kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông sản từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và sản phẩm nông sản nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Phát triển bảo quản, chế biến, chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, chất lượng, giá trị gia tăng cao; Áp dụng quy trình công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu về quản lý, tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Đề án cũng hướng tới mục tiêu là 100% cán bộ làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến, phát triển thị trường, hội viên Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên các cấp thành phố được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.
100% người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm; 100% cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các giấy chứng nhận tương đương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông sản được chứng nhận OCOP được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm định kỳ 1 lần/năm hoặc theo kế hoạch.
Ngoài ra, duy trì diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 15%/năm. Phấn đấu 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong mạng lưới ứng dụng công nghệ cao, hiện đại đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; giảm 50% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được Chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm Quốc tế (ISO 22.000), hoặc tương đương tăng tương ứng 15%/năm; tỷ lệ thực phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi chiếm 70% tổng sản lượng thực phẩm nông lâm thủy sản được tiêu thụ; giá trị xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản của Thành phố tăng trung bình 5%/năm.
Ngoài ra, thành phố hình thành, hỗ trợ phát triển các cụm liên kết ngành hoặc chuỗi giá trị trong chế biến, bảo quản thực phẩm nông sản; các làng nghề chế biến nông sản áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…
Liên quan đến kiểm soát chất lượng nông sản, Hà Nội cũng đã tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng, từ đó kiểm soát một cách hiệu quả từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc trên thị trường.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Lưu Thị Hằng cho biết, thành phố đã cấp được 16 mã số vùng trồng xuất khẩu và 133 mã số vùng trồng trong lĩnh vực trồng trọt. Sau khi cấp mã vùng trồng, chi cục thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, trong 6 tháng năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 58,5%, trong đó hàng nông sản đạt 836 triệu USD. Một số nông sản xuất khẩu chính là sản phẩm quế, hồi, gia vị, chè xanh, rau, củ, quả và các sản phẩm nông sản khác như: Gạo, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu, tinh bột sắn…
Việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông sản khi tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước, mà còn góp phần tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn.
Bên cạnh những hiệu quả mang lại, việc xây dựng, duy trì mã số vùng trồng còn hạn chế, do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Thực trạng này gây khó khăn cho công tác kiểm soát mã số vùng trồng. Ðể được cấp mã số vùng trồng, quá trình sản xuất cần bảo đảm các yêu cầu, như: Quy trình kiểm soát được sinh vật gây hại ở mức độ thấp và được cấp phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu. Vùng trồng phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất. Trong khi đó, trình độ người dân còn hạn chế, nên không dễ tiếp cận với quy trình cập nhật thông tin sản xuất trên cơ sở dữ liệu quản lý theo quy định về cấp mã số vùng trồng.
Hương Mi