Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của TP. Hà Nội.
Một số thành tựu Thủ đô Hà Nội đạt được từ cơ sở hành lang pháp lý mà Luật Thủ đô hiện hành đã tạo ra như: Hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng các dự án, công trình trọng điểm được kết nối thông suốt, đồng bộ, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế-xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
Cảnh quan kiến trúc hai bên đường trên một số tuyến phố thực hiện thí điểm đã được chỉnh trang sạch đẹp; Nhiều dự án khu đô thị mang tầm vóc của đô thị hiện đại đang dần hiện hữu. Hà Nội đang dần phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Tuy nhiên Hà Nội vẫn tồn tại một số điểm nghẽn không những không giải quyết được triệt để mà còn trầm trọng hơn như vấn đề gia tăng dân số cơ học, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng đô thị, xã hội…
Trên cơ sở đó, đặt ra yêu cầu Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển của Hà Nội để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.
Cần hoàn thiện hạ tầng giao thông
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, hiện có nhiều yêu cầu phát triển chính đối với hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô như: Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, đường vành đai; phân quyền cho HĐND TP. Hà Nội quy định chính sách ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô…
Để triển khai được các định hướng trên, trước hết, TP. Hà Nội phải giảm khối lượng giao thông ở khu vực nội thành. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trong đô thị, trong đó định hướng chung là phát triển hệ thống giao thông công cộng sức chứa lớn, với cốt lõi là hệ thống đường sắt đô thị, buýt, BRT; giảm phương tiện cá nhân…
Trong đó, cấp bách là nhu cầu xây dựng nhanh, hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị; Luật hóa những chính sách hỗ trợ người đi bộ, người xe đạp và người khuyết tật trong giao thông đô thị.
Đặc biệt, Thành phố cần hoàn thiện cơ chế tài chính huy động được các nguồn lực trong nước, ngoài nước, Nhà nước, xã hội hóa đầu tư cho các dự án giao thông và cơ chế thực hiện các dự án giao thông đặc thù cho Thủ đô…
Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô…
Phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh
Trong khi đó, góp ý vào dự thảo luật, TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách.
"Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm) và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ", TS Chu Mạnh Hùng nói.
Theo TS Chu Mạnh Hùng, thành phố thuộc thành phố sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Bởi lẽ đó, tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển.
Ngoài ra, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (Transit Oriented Development) dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cũng là điểm đột phá. Song, cũng cần phải có sự phân biệt về khoảng cách với đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác như lý thuyết khuếch tán được áp dụng ở các thành phố lớn trên thế giới nhằm giải tỏa áp lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ và các hoạt động khác; xử lý tốt mối quan hệ "trục dọc, trục ngang" để các thành phố thuộc thành phố Hà Nội không rơi vào tình trạng đô thị vệ tinh là sự mở rộng của đô thị trung tâm như trường hợp của thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh).