Điều đáng nói là con số này không hề gây sốc với người tiêu dùng bởi đây là thực tế đã diễn ra lâu nay, và nếu như không kịp cập nhật kiến thức cũng như tỉnh táo để lựa chọn và phân loại, thì chuyện mua phải mỹ phẩm giả trên mạng là chuyện rất dễ gặp phải.
Lấy ví dụ thực tế, khi tìm từ khoá son Chanel - một thương hiệu mỹ phẩm cao cấp nổi tiếng trên thế giới, người dùng có thể tìm thấy hàng trăm shop bán các sản phẩm này trên tất cả các trang thương mại điện tử với mức giá thậm chí chỉ 100.000-200.000 đồng. Không chỉ Chanel, người tiêu dùng có thể tìm kiếm một cách dễ dàng tất cả các thương hiệu mỹ phẩm từ bình dân, tới cao cấp trên môi trường TMĐT chỉ với một chiếc điện thoại và vài thao tác đơn giản.
Lý giải về nguồn gốc các mặt hàng mỹ phẩm kiểu này trên các trang TMĐT, thường được người bán cho biết họ mua và bán lại theo dạng xách tay, săn hàng giảm giá… thế nhưng kỳ lạ là nguồn hàng thì lúc nào cũng sẵn và rẻ hơn nhiều lần so với mức giá mà hãng công bố.
Chị H.P.T (TP Hạ Long), một người từng bán mỹ phẩm online, cho biết: Để lựa chọn sản phẩm chuẩn hãng thì tôi thường gom đơn để order trực tiếp trên website của hãng, hoặc trên Sephora.com (một trang web chuyên bán mỹ phẩm của Mỹ), hoặc gửi người quen ở các nước đi mua gom giúp trực tiếp tại các cửa hàng… Thế nhưng, với cách làm như thế này thì chi phí không thể rẻ hơn so với giá niêm yết của sản phẩm bởi còn công cán, chi phí ship, nếu như "săn sale" thì phải đúng dịp và không phải lúc nào cũng có được đúng sản phẩm mình mong muốn với giá ưu đãi. Cho nên nếu vừa sẵn hàng, vừa rẻ hơn, thì khả năng lớn là hàng giả, hàng nhái.
Không chỉ trên môi trường điện tử, dạo quanh nhiều cửa hàng bán hàng hoá mỹ phẩm, cũng có không ít sản phẩm giả, nhái, không có nguồn gốc xuất xứ. Phần lớn các mặt hàng này đều được bày bán lung linh trên các quầy, kệ, nhưng không có nhãn dán, hay bất cứ thông tin nào về đơn vị nhập khẩu hàng hoá. Thậm chí, có những loại bao bì bắt mắt, hấp dẫn, nhưng hoá ra lại là sản phẩm của các công nghệ sản xuất “xô, chậu”, chưa được thẩm định về tính an toàn cho sức khoẻ người sử dụng, thậm chí nguy hiểm hơn là chứa các chất cấm như chì, thuỷ ngân, asen…
Cuối tháng 6/2024, Bộ Y tế đã ra văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn quốc sản phẩm Estro Skin Royal, số lô:10.08.23; NSX: 10.08.2023; HSD: 09.08.2026, sau khi Trung tâm Kiểm nghiệm, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh lấy mẫu kiểm nghiệm một sản phẩm đang lưu hành tại Quảng Ninh và phát hiện thành phần chất bảo quản Methyl paraben và Propyl paraben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Cũng cách đây không lâu, các bác sĩ tại Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng vừa tiếp nhận điều trị liên tục trong một thời gian dài cho một phụ nữ 35 tuổi (sinh sống tại huyện Đầm Hà), nhập viện trong tình trạng tổn thương da sâu do bội nhiễm sau khi mất 25 triệu đồng điều trị sẹo rỗ. Chị này cho biết, được lăn kim và cho bôi một loại kem dưỡng được giới thiệu là công thức "độc quyền". Tuy nhiên, sau vài hôm thì chị bị lên mụn mủ khắp mặt, thậm chí nổi mụn cục gây đau đớn nên phải tìm đến bệnh viện kêu cứu.
Theo bác sĩ Nịnh Thị Hà, Trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, những trường hợp như trên không phải là hiếm. Những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận không ít các trường hợp biến chứng khi sử dụng các loại mỹ phẩm giả, hoặc mỹ phẩm có chứa các chất độc. Nhẹ thì viêm da, để lại sẹo. Nặng thì biến chứng gây ngộ độc thần kinh hoặc suy gan, suy thận, thậm chí ung thư… Do đó, trước khi sử dụng bất cứ loại hoá mỹ phẩm nào trên da, mỗi người cần cân nhắc kỹ lưỡng về chất lượng sản phẩm, không nên sử dụng các loại hoá mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm, hoặc không rõ ràng về thành phần, để tránh tiền mất - tật mang.
Nguyễn Tran