TP.HCM: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện công trình xây dựng không phép

Quyền Trung
UBND Quận Bình Tân (TP.HCM) đã tích hợp nhiều lớp dữ liệu trên nền tảng GIS - một nhánh của trí tuệ nhân tạo nhằm tự động xác định các công trình xây dựng vi phạm.

Nhiều năm qua, trên địa bàn TP.HCM có liên tục các khu dân cư mới được hình thành, bao gồm được quy hoạch và phát triển tự phát nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở tăng cao của người dân.

Song song với đó là việc bùng phát tình trạng xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, nhất là tại các khu vực không phù hợp quy hoạch để xây dựng nhà ở. Để giải quyết vấn đề này quận Bình Tân đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm rút ngắn thời gian rà soát các công trình vi phạm.

Trước khi thành lập TP Thủ Đức, Bình Tân là quận có số dân đông nhất TP.HCM với khoảng 800.000 người năm 2019. Việc gia tăng dân số cơ học nhanh dẫn đến mật độ xây dựng tăng nhanh. Bên cạnh hoạt động xây dựng hợp pháp là các công trình xây dựng không phép mà nguyên nhân lớn đến từ việc chưa có giải pháp quản lý tối ưu.

ong kien

Ông Vũ Chí Kiên – Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân (TP.HCM) phát biểu tại hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công" do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 27/12. Ảnh: Tiên Trinh

Cụ thể, trên địa bàn quận, trung bình hằng năm quận cấp hơn 6.000 giấy phép xây dựng. Điển hình như giai đoạn 2016 - 2017, quận đã cấp trên 10.000 giấy phép/năm, tức trung bình một ngày cán bộ phải ký 50 - 60 giấy phép, có ngày lên đến 100 giấy phép xây dựng. Đây là một con số lớn.

Bên cạnh đó, một phường của quận rộng khoảng 400 - 500 ha, dân số trên 50.000 người, trong khi số lượng thanh tra xây dựng chỉ 3 người, cùng 2 cán bộ địa chính phụ trách dẫn đến khó bao quát toàn bộ địa bàn.

Để khắc phục các hạn chế về nguồn lực con người và năng lực kỹ thuật trong quản lý trật tự xây dựng, UBND Quận Bình Tân đã phối hợp với Phòng Thí nghiệm truyền thông đa phương tiện (MMlab) thuộc Trường Đại học Công nghệ Thông tin (UIT) và Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đưa vào sử dụng ứng dụng "Không ảnh tích hợp Bình Tân". Ứng dụng nhằm hỗ trợ công tác quản lý và phát triển đô thị, trong đó có công tác quản lý trật tự xây dựng.

Ứng dụng tích hợp nhiều lớp dữ liệu trên nền tảng GIS, trong đó có các lớp dữ liệu được xác định bằng công nghệ học sâu (Deep learning) - một nhánh của AI để xác định tự động công trình xây dựng dựa trên dữ liệu không ảnh. Dựa trên dữ liệu không ảnh qua các thời kỳ, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phần mềm ArcMap để lập bản đồ công trình xây dựng bằng phương pháp học sâu.

Quan binh tan

Chồng lớp dữ liệu để xác định khu vực có khả năng vi phạm trật tự xây dựng cao. Ảnh: UBND quận Bình Tân.

"Bằng phương thức chồng các lớp dữ liệu không ảnh (ảnh trên không) gần nhất và lớp dữ liệu công trình xây dựng các năm, chồng thêm lớp dữ liệu quy hoạch phân khu và đô thị,… chúng tôi kiểm tra khu vực quy hoạch dành cho công trình công cộng như: Công viên cây xanh, trường học. Nếu xuất hiện lớp màu của những công trình trên ảnh mà không phải công trình công cộng thì khả năng cao là công trình vi phạm", ông Vũ Chí Kiên – Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân (TP.HCM) - cho biết.

Sau khi chồng lớp các bản đồ, cán bộ quản lý kiểm tra và xác định được các khu vực có dấu hiệu vi phạm, từ đó sẽ kiểm tra thực địa để xác định và xử lý vi phạm.

Ông Vũ Chí Kiên cũng đưa ra lưu ý mô hình này chỉ hỗ trợ xác định phạm vi, nhất là khu vực khó tiếp cận, sau đó phải kiểm tra thực tế. "Việc ứng dụng công nghệ này khá cơ bản, nhưng giúp ích cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình quản lý trật tự xây dựng, một lĩnh vực phức tạp", ông Kiên nhấn mạnh.

Screenshot 2023-01-04 204223

Một khu vực vi phạm trên đất nông nghiệp được phát hiện qua công nghệ AI. Ảnh: UBND quận Bình Tân

Thông qua thực tiễn áp dụng tại quận Bình Tân, công nghệ AI đã giúp cán bộ quản lý tiết kiệm thời gian đi kiểm tra thực địa cũng như tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý.

Tại hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công" do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá đây là giải pháp thiết thực cho việc quản lý đô thị, nhằm theo dõi các công trình xây dựng tại địa phương. Tuy nhiên, để dữ liệu có tính cập nhật và xác với thực tế tại địa phương, TP.HCM cần tạo ra cơ chế sử dụng chung dữ liệu chính quyền (ảnh camera an ninh) kết hợp với dữ liệu ảnh của người dân.