Quảng Ninh: Phát huy vai trò đảng viên tiên phong ở vùng cao, vùng khó

Quyền Trung
Các xã, thôn, bản vùng cao, vùng khó của Quảng Ninh hôm nay rộn rã thanh âm và sắc màu của nhịp sống mới. Có được thành quả ấy, vai trò của những đảng viên tiên phong, gương mẫu ở cơ sở được nhìn nhận là “cầu nối” đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi nhanh vào cuộc sống

Cũng nhờ việc “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà niềm tin của nhân dân hướng về Đảng càng được củng cố, góp sức mạnh đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

1a

Diện mạo xã vùng cao Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) ngày càng đổi mới từ sự góp sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Gieo niềm tin bằng hành động

Chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 được phê duyệt tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, tuyến đường mới kết nối từ TP Hạ Long tới huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) sẽ đạt tiêu chuẩn cấp 3 miền núi, với mặt đường mở rộng 9m, thiết kế 2 làn xe, tổng chiều dài 60,5km. Trong đó, đoạn qua địa phận huyện Ba Chẽ dài gần 20,5km, cần thu hồi hơn 75ha đất các loại của 165 tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn 2 xã Thanh Lâm và Đạp Thanh để phục vụ thi công.

Thôn Khe Nháng (xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ) có 20 hộ dân thuộc diện phải GPMB như vậy. Đáng mừng là chủ trương này đã được người dân trong thôn hân hoan đón nhận, ủng hộ hết lòng. Những ngày này, người dân trong thôn có lẽ cũng là những người vui mừng hơn ai hết khi chứng kiến khí thế lao động hăng say được đẩy nhanh mỗi ngày trên công trường thi công đoạn qua địa bàn xã.

Niềm mong mỏi về diện mạo quê hương, hạ tầng giao thông phát triển đang dần trở thành hiện thực nhờ sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và đồng thuận của nhân dân.

2a

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị nhà thầu tăng tốc thi công các hạng mục cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 342. Ảnh: Mạnh Trường 

Tuy nhiên, sự đồng thuận đó của thôn Khe Nháng không phải tự nhiên mà có được. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nịnh Văn Chung kể lại, chi bộ đã phải tổ chức nhiều cuộc họp ngay từ những ngày đầu thông báo chủ trương thu hồi đất tới nhân dân. Bởi khâu GPMB là một nhiệm vụ khó, liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân và dễ nảy sinh những vấn đề vướng mắc phức tạp từ cơ sở. Nhất là với người dân vùng nông thôn, miền núi, sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, không dễ gì để họ lựa chọn từ bỏ từng phần đất đã gắn bó với cuộc sống từ bao đời nay.

Để tháo bỏ nút thắt này, từ đề xuất của Bí thư Chi bộ, Nghị quyết Chi bộ thôn Khe Nháng khi đó đã xác định phải chú trọng dân vận khéo ngay từ đầu. Các đảng viên trong chi bộ được quán triệt, phải là đầu mối tuyên truyền mọi thông tin, hướng dẫn của xã, của huyện đến với nhân dân một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ. Các thông tin về phương án thu hồi, bồi thường phải được công khai rõ ràng, minh bạch.

Đồng thời, mọi kiến nghị, tâm tư, vướng mắc của các hộ có liên quan đều được lắng nghe để có cách giải đáp, tháo gỡ kịp thời, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp. Trên cơ sở đó khơi dậy trách nhiệm chung với lợi ích của cộng đồng, giúp đưa chủ trương, chính sách GPMB đi vào cuộc sống.

3a

Cán bộ huyện Ba Chẽ và xã Thanh Lâm thực hiện kiểm đếm diện tích đất liên quan đến dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 342 trên địa bàn thôn Khe Nháng (tháng 12/2022). 

“Nghị quyết đưa ra là trí tuệ của tập thể, nên dĩ nhiên được sự tán đồng của đảng viên trong chi bộ. Nhưng niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân không thể chỉ đến từ lời nói, mà phải gây dựng bằng những hành động thật cụ thể. Vì lẽ đó, tôi luôn cố gắng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi công việc. Nhất là việc Bí thư Chi bộ không phải đến để chỉ đạo, mà phải làm trước, làm cho thật tốt, không thể có ngoại lệ” - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nịnh Văn Chung chia sẻ.

Suy nghĩ ấy đã được cụ thể thành hành động. Gia đình anh Chung đã là hộ đầu tiên của thôn bàn giao phần vườn đồi rộng gần 1.800m2 theo thông báo thu hồi đất. Trong đó, hơn 60 gốc vải gần 20 năm tuổi và 400 cây quế con mới trồng được hơn 1 năm trên phần đất này đều là tự tay anh chặt bỏ để có "mặt bằng sạch".

4a

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nịnh Văn Chung tự nguyện chặt cây, bàn giao mặt bằng sớm để thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 342 (tháng 12/2022). 

Hiệu ứng từ việc làm của những bí thư chi bộ, trưởng thôn ở như anh Nịnh Văn Chung đã tạo nên phong trào lan tỏa mạnh mẽ ở vùng cao Ba Chẽ. Khi “ý Đảng - lòng dân” đã hòa quyện, niềm tin của nhân dân đã dành trọn cho chủ trương, chính sách đúng đắn, thì việc đóng góp những “tấc đất tấc vàng” không còn là bài toán khó.

Chỉ sau 10 ngày Ủy ban MTTQ tỉnh và huyện Ba Chẽ phát động chiến dịch vận động GPMB, đến ngày 20/12/2022, toàn bộ các hộ dân tại 2 xã Thanh Lâm và Đạp Thanh đã ký cam kết tự nguyện bàn giao mặt bằng. Sau đó 3 ngày, huyện Ba Chẽ tổ chức chi trả tiền bồi thường thu hồi đất, 98% hộ dân đã có mặt để làm thủ tục nhanh chóng, thuận lợi và được giải quyết hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.

Số ít hộ dân còn lại vì công việc riêng mà không có mặt đúng ngày theo giấy mời, cũng đã được các tổ công tác của huyện và xã tiếp tục thông tin, hỗ trợ nhận tiền theo quy định. Tỷ lệ đồng thuận đạt rất cao trong nhân dân, không hề xảy ra kiến nghị, khiếu nại nào. Đây là điều kiện quan trọng để các đơn vị nhà thầu thuận lợi triển khai nhiệm vụ, quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” hoàn thành dự án nâng cấp đường tỉnh 342 đúng tiến độ, chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh.

Không để khoảng trống thông tin ở cơ sở

Công nghệ số, internet ngày càng trở nên phổ biến, làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiếp nhận thông tin của đại bộ phận người dân. Không thể phủ nhận lợi ích cực kỳ to lớn của không gian mạng, nhưng cũng bởi những đặc tính lan truyền nhanh, khó kiểm chứng thông tin, nên đã ghi nhận không ít trường hợp người dân bị lợi dụng, dẫn dắt chỉ vì sự hiếu kỳ, hiểu biết hạn chế.

Mục đích của các đối tượng xấu có thể là để thu hút tương tác nhằm kiếm lợi nhuận, lừa đảo tài sản, thậm chí là cố tình gây rối, làm phương hại đến ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội...

Nhiều tin thật - giả lẫn lộn lan truyền đã tạo dư luận xấu, hòng làm lung lay niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Do đó, ở những địa bàn vùng cao, vùng khó của Quảng Ninh, đội ngũ đảng viên cũng phải là một mắt xích có hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc ngày càng thêm gắn bó khăng khít.

5a

Cán bộ xã Yên Than, huyện Tiên Yên, tuyên truyền đến người dân về chủ trương sắp xếp lại 12 thôn trên địa bàn xã, sáp nhập thành 6 thôn mới là Khe Muối, Phố Cũ, Liên Hòa, Khe Và, Khe Tiên, Đồng Tâm. 

Có dịp đến công tác tại thôn Đồng Cậm (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu), chúng tôi thấy nhiều băng rôn, bảng hiệu tuyên truyền, cổ động trực quan được lắp đặt dọc các tuyến đường, địa điểm công cộng. Rồi nhờ có chương trình xây dựng NTM, toàn xã có điện lưới, có sóng truyền hình, điện thoại, wifi... nên bà con có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các kênh thông tin hữu ích.

Thế nhưng, theo lời chia sẻ của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lô Thị Hoài, dường như vẫn luôn có một “khoảng trống” trong thông tin, tuyên truyền ở cơ sở, chủ yếu đến từ thói quen tiếp nhận thông tin của bà con nhìn chung còn hạn chế. Nhiều gia đình không có thói quen xem chương trình thời sự trên truyền hình hay nghe loa truyền thanh của thôn, mà hầu như chỉ tiếp nhận thông tin mỗi ngày thông qua điện thoại thông minh cá nhân.

Từ vài năm nay, cả xã và thôn đều đã lập fanpage facebook, nhóm zalo của chính quyền và một số đoàn thể như: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công an... Nhưng nhìn chung, bà con chưa mặn mà với thông tin đăng tải trên các trang, nhóm này, lượt tương tác không nhiều như mong đợi.

Nhiều năm làm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, từ năm 2023 còn được tín nhiệm bầu là người uy tín tiêu biểu của cộng đồng dân cư, có thể nói chị Lô Thị Hoài hiểu rõ đặc thù của người dân trong thôn hơn ai hết. Theo chị Hoài, việc thay đổi thói quen, nếp nghĩ của đồng bào không thể dễ gì làm được trong một sớm, một chiều. Nhưng với quyết tâm phải là người “đặt những viên gạch đầu tiên” hình thành nếp sống văn minh, chị Hoài tâm niệm dù khó đến mấy cũng không bỏ cuộc.

6a

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lô Thị Hoài (bên phải) thường xuyên nắm tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân trong thôn. 

Vậy là người nữ cán bộ thôn bắt tay vào triển khai những cuộc dân vận không mệt mỏi, đi từng ngõ, gõ từng nhà, mưa dầm thấm đất. Những chủ trương từ xã về phòng dịch Covid-19, xây dựng NTM, tự quản bảo vệ đường biên, mốc giới... đều được quán triệt nhanh chóng tới toàn thể nhân dân. Các nội dung phòng chống tệ nạn, giữ gìn cảnh quan môi trường sạch đẹp, từ bỏ hủ tục lạc hậu... cũng được xây dựng thành quy ước chung, thống nhất thực hiện trong cả thôn.

Trong mỗi cuộc họp dân, hoặc khi đến truyên truyền tại các hộ dân, chị Hoài lại khéo léo khuyên nhủ bà con phải luôn cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo, thông tin xấu độc được đưa lên không gian mạng rất tinh vi. Và vì tin tưởng vào trình độ cũng như uy tín của nữ Bí thư Chi bộ, người dân thôn Đồng Cậm có tâm tư, vướng mắc lại tìm đến để được tư vấn, giải đáp, xác thực tin đồn chưa rõ thật - giả.

7a

Từ triển khai của chi bộ, việc sử dụng điện thoại di động để cập nhật tình hình ANTT, các hoạt động của địa phương đã dần quen thuộc với đảng viên, nhân dân thôn Tán Trúc Tùng (xã Quảng An, huyện Đầm Hà). 

Còn ở thôn Tán Trúc Tùng (xã Quảng An, huyện Đầm Hà), mạng xã hội đang được Chi bộ thôn khai thác để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động. Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chìu A Sám, người dân trong thôn sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều. Mọi công việc chung của thôn giờ chỉ cần một tin nhắn trên nhóm zalo là ngay lập tức lan tỏa đến từng người, từng nhà, thay vì cách làm truyền thống là thông báo miệng, hoặc đọc trên loa truyền thanh cơ sở còn nhiều hạn chế.

Thông tin nhanh, thuận tiện càng phát huy hiệu quả trong các trường hợp tuyên truyền cảnh báo thủ đoạn tội phạm, tiếp nhận thông tin tố giác, khiếu nại của nhân dân... Sáng kiến này đã góp tiếng nói kịp thời để định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng. Đặc biệt là cảnh giác từ sớm cho bà con trong thôn về những âm mưu, thủ đoạn phản động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

Chú trọng phát triển đảng viên

Các đảng viên được trưởng thành từ phong trào cơ sở, nên họ có lợi thế về sự gắn bó, hiểu rõ tâm tư của đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở mỗi vùng miền. Để rồi khi đứng trong hàng ngũ của Đảng, họ tiếp tục là tấm gương sáng trong đạo đức, lối sống, tác phong, ý thức kỷ luật. Đội ngũ này cũng là những “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng, sẵn sàng đối đầu với những quan điểm sai trái, cả với những hủ tục đeo bám đời sống đồng bào nhiều thế hệ.

Lời nói, hành động mẫu mực và năng lực nhiệt huyết của những đảng viên tiên phong như vậy đã góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết, tạo sức mạnh đồng thuận từ cơ sở để thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ lớn của các địa phương và của tỉnh.

Điển hình những năm gần đây, Quảng Ninh đã liên tục đẩy nhanh công cuộc xây dựng NTM, giữ đà tăng trưởng KT-XH, vững vàng trước đại dịch Covid-19; hoàn thành cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đồng loạt tổ chức bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025 trong cùng 1 ngày tại 1.452 khu dân cư (ngày 3/7/2022); sáp nhập và đổi tên, giảm 91 thôn, bản, khu phố trong tỉnh; sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

8a

Người dân xã Húc Động, huyện Bình Liêu sản xuất sản phẩm OCOP miến dong theo cách thủ công truyền thống. 

9a

Người dân tộc Dao Thanh Phán ở xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu giữ gìn nghề thêu trang phục truyền thống. 

Để có lực lượng tiên phong như vậy, thời gian qua, các chi, đảng bộ cơ sở trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống KT-XH còn nhiều khó khăn đặc thù.

Như tại Đảng bộ huyện Bình Liêu với đặc thù gần 96% dân số là đồng bào DTTS, công tác xây dựng và phát triển đảng viên được triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, từng dân tộc.

Những năm qua, thanh niên người DTTS có điều kiện thuận lợi để học tập, nâng cao trình độ văn hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, từ đó dần hình thành động cơ đúng đắn phấn đấu trở thành đảng viên. Các chi bộ, tổ chức đoàn thể cũng chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ dân trí, giúp quần chúng nhân dân, đoàn viên, hội viên thấy rõ việc phấn đấu trở thành đảng viên là vinh dự, trách nhiệm, cũng là cơ hội để hoàn thiện bản thân và đóng góp xây dựng quê hương.

Các phong trào thi đua cũng được triển khai sôi nổi tại khắp các cơ quan, đoàn thể, địa bàn cơ sở, nhằm kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực, ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện hiện có trên 2.500 đảng viên, phủ kín 100% thôn, bản; gần 90% trong số này là đảng viên là người DTTS.

10a

 Đảng bộ huyện Ba Chẽ tổ chức kết nạp đảng viên mới nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập huyện 4/10 (1946-2022). Ảnh: Phạm Học

Còn tại Đảng bộ huyện Ba Chẽ hiện có 27 tổ chức, cơ sở Đảng, với hơn 2.100 đảng viên. Để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của mỗi chi bộ, đảng viên, huyện Ba Chẽ đặc biệt coi trọng quan tâm bồi dưỡng, phát triển Đảng, nhất là ở nơi vùng cao, vùng khó...

Hằng tháng, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy đều tham dự sinh hoạt tại các chi bộ khu dân cư để hỗ trợ đội ngũ đảng viên đổi mới hoạt động, tháo gỡ những vướng mắc, nhiệm vụ khó. Hội nghị giao ban định kỳ giữa lãnh đạo Huyện ủy với các bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận được duy trì hằng quý. Đây là dịp để những vấn đề từ cơ sở được lãnh đạo lắng nghe, giúp các chi bộ phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện mọi mặt công tác.

Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật cũng là nhiệm vụ thường xuyên, với quan điểm phải thật sự nghiêm khắc sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ năng lực, uy tín...

Hành trình tác nghiệp ở những địa bàn vùng cao, vùng khó của tỉnh, phóng viên đã ghi lại được nhiều câu chuyện về tinh thần đảng viên bản lĩnh, sáng tạo, tiên phong vì lợi ích cộng đồng, tỏa sáng trong mọi nhiệm vụ khó. Tuy mỗi người có phương pháp làm việc riêng để phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của quê hương, dân tộc mình, nhưng điểm chung ở họ là đều khắc sâu những lời Bác căn dặn, rằng luôn “lấy dân làm gốc”, “nói đi đôi với làm”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Tỉnh Quảng Ninh có 4 thành phố, 2 thị xã, song có trên 60% đơn vị hành chính cấp xã (109/177) thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng bào 42 dân tộc thiểu số chỉ chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, nhưng lại cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh, chủ yếu ở địa bàn miền núi, hải đảo, biên giới khó khăn nhưng có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Những năm qua, tỉnh luôn gắn kết chặt chẽ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội; quan điểm nhất quán là không chờ kinh tế phát triển rồi mới lo các vấn đề về xã hội...

Theo đó, ngoài triển khai hiệu quả những chính sách của Trung ương, giai đoạn 2016-2021, tỉnh cũng đã ban hành một số cơ chế đặc thù, như: Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND năm 2016 bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết số 111/2018/NQ-HĐND năm 2018 về quy định mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020; Nghị quyết số 06-NQ/TU năm 2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...